Sáng ngày 2/8/2016, tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị HPG tuyến tỉnh với chủ đề: mô hình bác sỹ gia đình gắn với tăng cường hệ thống y tế cơ sở.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có TS.Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Y tế; ông Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam; cùng đại diện Lãnh đạo các Vụ/Cục/ Viện của Bộ Y tế; Lãnh đạo các Sở/ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các tổ chức Phi chính phủ quốc tế, các Đối tác phát triển; cùng đông đảo cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương đã về dự và đưa tin.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Y tế cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu y tế quan trọng, được công nhận là một trong các quốc gia có hệ thống y tế rộng khắp từ trung ương đến địa phương. Hệ thống y tế cơ sở phủ rộng toàn quốc đã giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu y tế quan trọng, trong đó có các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế. Tuy nhiên, y tế cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, cơ chế tài chính hay nguồn nhân lực cho y tế. Chính vì thế củng cố hệ thống y tế cơ sở và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) luôn là những ưu tiên trong chính sách phát triển y tế Việt Nam. TS. Trần Thị Giáng Hương cũng cho biết thêm: Trong bối cảnh của Việt Nam, mô hình bác sỹ gia đình(BSGĐ) hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện, liên tục, giúp phòng chống và sàng lọc bệnh tật, cũng như tăng cường liên kết gia đình – cộng đồng trong việc nâng cao sức khỏe người dân. Hiện nay mô hình BSGĐ hiện tại đã được thí điểm triển khai tại 8 tỉnh/TP và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, theo phản ánh và đánh giá ban đầu, vẫn còn rất nhiều câu hỏi, cũng như khó khăn, thách thức trong việc gắn kết, lồng ghép và vận hành mô hình bác sỹ gia đình để hỗ trợ hệ thống y tế cơ sở một cách hiệu quả, bền vững tại địa phương. TS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Y tế mong rằng, thông qua Hội thảo này, các đại biểu –đại diện các đối tác phát triển, cũng như các cán bộ chuyên trách của Bộ Y tế, của các viện và trường đại học, các ban ngành liên quan, và đặc biệt đông đảo đại diện của các địa phương, cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về việc phát triển mô hình BSGĐ tại Việt Nam, với mục tiêu tăng cường hệ thống y tế cơ sở, nhằm bảo đảm xây dựng hệ thống y tế lấy con người làm trung tâm, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ, đảm bảo chất lượng, công bằng và hiệu quả.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Theo TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ Y tế đã ban hành chương trình đào tạo định hướng Y học gia đình (YHGĐ) trong thời gian 3 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề, đã đào tạo được hơn 900 BSCK I và 1200 BSCK định hướng YHGĐ. Đến tháng 12/2015 đã thành lập được 240 phòng khám Bác sĩ gia đình(PKBSGĐ) tại 8 tỉnh, thành phố (tp HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang) và đến tháng 6/2016 tổng số lượng PKBSGĐ là 332. Mục tiêu chung của kế hoạch 2016-2020 là nhân rộng và phát triển mô hình PKBSGĐ trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng CSSK ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Mục tiêu cụ thể là hoàn thiện mô hình PKBSGĐ, ưu tiên phát triển mô hình PKBSGĐ gắn với trạm y tế. Nhân rộng và phát triển PKBSGĐ theo lộ trình để đảm bảo đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình PKBSGĐ.
Tại Hội nghị này các đại biểu cũng đã được nghe trình bày của TS. Socorro Escalate, Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới về Mô hình bác sỹ gia đình có thể đóng góp gì vào hệ thống y tế cơ sở nhằm đảm bảo tính công bằng và bao phủ y tế toàn dân. Cũng như những kế hoạch phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Qua đó các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai, tính khả thi của mô hình bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế cơ sở tại các địa phương trong cả nước.