Quá trình hình thành và phát triển

Quá trình hình thành và phát triển

Quá trình hình thành và phát triển

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông
Ha Dong medical college
Chào mừng quý khách đã truy nhập vào website của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ HÀ ĐÔNG 60 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tiền thân là Trường Y sỹ Hà Đông được thành lập ngày 26/10/1960, là trường Y sỹ đầu tiên của Bộ Y tế được thành lập tại địa phương.

Trụ sở của trường tại số 39 phố Nguyễn Viết Xuân, phường Quang Trung, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông gắn liền với sự phát triển của tỉnh Hà Đông, tỉnh Hà Tây, tỉnh Hà Sơn Bình và thành phố Hà Nội ngày nay.

Sau 5 năm thành lập, năm 1965 trên cơ sở sát nhập hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, trường Y sỹ Hà Đông đổi tên thành trường Y sỹ Hà Tây.

Tháng 11 năm 1970 Trường Y tá hợp nhất với Trường Y sỹ Hà Tây thành trường Cán bộ y tế tỉnh Hà Tây.

Tháng 12 năm 1975 tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình sát nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1976 trường được đổi tên thành trường trung học Y tế I Hà Sơn Bình.

Năm 1985 hợp nhất hai trường Trung học Y tế I và II thành trường Trung học Y tế Hà Sơn Bình.

Năm 1991 tái lập tỉnh Hà Tây trên cơ sở chia tách tỉnh Hà Sơn Bình trường được đổi tên thành Trường Trung học Y tế Hà Tây trực thuộc Sở Y tế Hà Tây.

Ngày 31 tháng 10 năm 2007 Trường Cao đẳng Y tế Hà Tây được thành lập  theo Quyết định số 6874/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở trường trung học Y tế Hà Tây.

Năm 2008 tỉnh Hà Tây sát nhập với thành phố Hà Nội, trường Cao đẳng Y tế Hà Tây được đổi tên thành Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông trực thuộc UBND thành phố Hà Nội cho đến ngày nay.

Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, với bao thăng trầm, khó khăn, vất vả nhưng bằng nghị lực vươn lên của các thế hệ cán bộ, viên chức, HSSV nhà trường, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của các Cơ quan, Ban, Ngành từ Trung ương đến địa phương, nhà trường ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Quốc dân, đóng vai trò tích cực vào việc đào tạo  nguồn nhân lực Y tế có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn chất lượng phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân Thủ đô, cả nước và hội nhập quốc tế.

Để có được những thành quả to lớn của ngày hôm nay, chúng ta không quên nhớ về cội nguồn. Hãy ngược dòng thời gian, cùng sống lại những ngày tháng gian khổ, khó khăn nhưng cũng đầy tự hào và vinh quang của trường Cao đẳng Y tế Hà Đông trong 60 năm qua.

II. GIAI ĐOẠN TRƯỜNG Y SỸ (1960-1975)

Đây là giai đoạn khó khăn nhất, nhưng bằng tất cả lòng nhiệt tình, sự nỗ lực và quyết tâm vượt mọi khó khăn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và học sinh, Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; Quy mô đào tạo tăng dần, lúc đầu chỉ hơn 100 học sinh, sau tăng lên 300-500 và lúc cao nhất là gần 2000 học sinh. Khi mới thành lập chỉ đào tạo 2 ngành chính là Y sỹ xã, Y sỹ bổ túc sau mở rộng thêm các ngành Y sỹ chính quy, Y tá chính quy, Dược sỹ chính quy, Y sỹ quân đội, Y sỹ đi B, C và Y sỹ thống kê, các lớp ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ... chất lượng đào tạo được đảm bảo; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt từ 85-100%.

1. Từ năm 1960 - 1965

Từ năm 1960-1964 là giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và chi viện cách mạng Miền Nam. Thời kỳ này, hệ thống Y tế cả nước còn thiếu và yếu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn Y tế.

Ngày 26/10/1960, Bộ Y tế có Thông tư 22/BYT-TT thành lập trường Y sỹ Hà Đông là đơn vị trực thuộc Ty Y tế Hà Đông. Ty Y tế Hà Đông trực tiếp lãnh đạo Nhà trường, Bộ Y tế chỉ đạo phương châm đường lối, kế hoạch đào tạo và phân bổ chỉ tiêu. Ban Giám hiệu (cán bộ chuyên môn) do Ủy ban Hành chính tỉnh ra quyết định (sau khi thỏa thuận với Bộ Y tế). Học sinh, sau khi tốt nghiệp ra trường của địa phương do địa phương nghiên cứu phân phối theo nhu cầu công tác của địa phương mình và báo cáo về Bộ Y tế để biết. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của trường là đào tạo cán bộ Y sỹ xã theo phương châm đường lối của Bộ, để phục vụ cho yêu cầu kế hoạch của địa phương mình.

Bộ máy tổ chức Nhà trường lúc này do bác sỹ Nguyễn Lữ, Phó Trưởng Ty Y tế tỉnh Hà Đông kiêm Bệnh viện trưởng bệnh viện tỉnh Hà Đông là Hiệu trưởng đầu tiên.. Biên chế Nhà trường chỉ có 15 người...Cơ sở vật chất ban đầu chưa có gì, trong 2 tháng đầu trường phải ở nhờ thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyệnTừ Liêm, tỉnh Hà Đông (hiện nay thuộc Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Số học sinh Nhà trường là 139 học sinh Y sỹ xã (Y1) và Y sỹ bổ túc (Y7), chương trình học tập là 3 năm với Y sỹ xã (một năm văn hóa và 2 năm chuyên môn)..

Năm 1961 Trường chuyển về địa điểm số 8, phố Đoàn Trần Nghiệp - Hà Đông (nay là số 39, phố Nguyễn Viết  Xuân, phường Quang Trung, quận Hà Đông), cơ sở vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Song được Bộ Y tế quan tâm, đầu tư cấp kinh phí,Tỉnh Hà Đông cấp đất; với lòng nhiệt tình và quyết tâm của cán bộ, giáo viên và học sinh, chỉ một thời gian ngắn vừa phải giải phóng mặt bằng vừa xây dựng, những dãy nhà mái ngói được mọc lên phục vụ cho công tác giảng dạy và nơi ở cho học sinh, cán bộ giáo viên Nhà trường và cơ bản đáp ứng đủ phòng học, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập và nhà ở cho 300 cán bộ, học sinh nội trú.

Năm 1963, được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Đông đã quyết định ông Nguyễn Trọng làm Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy, ông Trần Hữu Học làm Phó Hiệu trưởng chính trị kiêm phó Bí thư Đảng ủy, bác sỹ Bùi Xuân Vĩnh là Hiệu phó chuyên môn.Tổng biên chế Nhà trường có 40 người bộ máy tổ chức gồm Phòng Tổ chức, Phòng Hành chính Phòng Giáo vụ, Bộ môn Nội - Nhi, Bộ môn Ngoại và Giải phẫu, Bộ môn Chính trị, Quân thể.

2. Từ năm 1965 - 1970

Tháng 7 năm 1965, thực hiện Nghị quyết số 103-NQ-TVQH của ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21 tháng 04 năm 1965 thành lập tỉnh Hà Tây trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, Trường Y sỹ Hà Đông đổi tên thành Trường Y sỹ Hà Tây.

Từ năm 1965 đến năm 1969, thời kỳ vừa xây dựng CNXH vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại Miền Bắc của Đế quốc Mỹ, lại phải chi viện sức người, sức của cho Miền Nam. Giai đoạn này, toàn bộ Nhà trường phải đi sơ tán, cơ sở của Trường đã xây dựng trước khi đi sơ tán được giao cho Nhà máy Dệt Nam Định mượn.

Sau khi đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh phá hoại Miền Bắc, tháng 7 năm 1969, Trường bắt đẩu chuyển về thị xã Hà Đông nhưng cơ quan lãnh đạo và một bộ phận học sinh vẫn tiếp tục ở nơi sơ tán do Nhà máy Dệt chuyển về Nam Định giao lại cơ sở choTrường và theo yêu cầu nhiệm vụ một tháng sau lại chuyển cho K15 mượn để ở.

Tháng 7 năm 1971, toàn bộ trường được chuyển về cơ sở vị trí cạnh trường cũ (Khu B là TT Kiểm nghiệm và Vật tư Y tế ngày nay) tại thị xã Hà Đông. Quy mô đào tạo của Trường lúc đầu chỉ có 500 học sinh, sơ tán về các xã Dương Khê, Hậu Xá, Phương Tú, Hoa Sơn, Trẩn Đăng của huyện ứng Hòa (gần Bệnh viện Vân Đình), sau tăng lên 1.800 học sinh, do vậy Trường phải đưa học sinh sơ tán về các xã Phương Trung, Bích Hòa, Đồng Mai, Cao Viên, Phú Lãm (Thanh Oai), các xã Hà Cầu, Văn Yên, La Khê (thị xã Hà Đông), Chi Chỉ (Phú Xuyên), Đông La ( Hoài Đức )... Ban Giám hiệu lúc đầu được đặt ở Hoa Sơn (ứng Hòa) sau chuyển về Phương Trung (Thanh Oai). Vì phải đi sơ tán ở nhiều nơi nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập phải chia sẻ, việc ăn, ở, học tập và các hoạt động khác đều phải dựa vào dân. Tuy vậy, đời sống cán bộ, học sinh cơ bản vẫn được đảm bảo và chất lượng đào tạo của Nhà trường được giữ vững.

* Những thành tích điển hình của Nhà trường trong giai đoạn này

1. Nhà trường đã đào tạo 2504 Y sỹ, Y tá và Dược sỹ trung học trong đó có 346 Y sỹ tình nguyện đi bộ đội phục vụ chiến trường B; 55 Y sỹ phục vụ chiến trường C. Năm 1967 có 99 học sinh lớp Y sỹ 17 chính quy quân đội tốt nghiệp và phục vụ chiến trường B, C, trong đó có 10 đồng chí đã hy sinh (bác sỹ Thiện - giáo viên Nhà trường cung cấp).

2. Cán bộ, giáo viên và học sinh giúp nhân dân trong công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống bão lụt, làm thủy lợi và trồng trọt, gặt hái giúp dân... được nhân dân đùm bọc và thương yêu.

3.Học sinh Y sỹ chính quy khóa 16, cùng với Y, Bác sỹ bệnh viện Thanh Oai cấp cứu cho 34 nạn nhân do máy bay Mỹ ném bom tại thị trấn Kim Bài ngày 27/7/1967, ngày 29 tháng 7 năm 1967 cùng với Dân quân tự vệ xã Phương Trung -Thanh Oai bắt sống phi công Mỹ khi máy bay bị bắn rơi.

3. Từ năm 1970 – 1975

Tháng 11 năm 1970, trường Y tá hợp nhất với trường Y sỹ Hà Tây thành trường Cán bộ Y tế tỉnh Hà Tây theo Quyết định số 342/QĐ-UB của ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tây do ông Nguyễn Trọng là Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng bộ Nhà trường. Biên chế Nhà trường gồm 52 người bộ máy tổ chức có thêm bộ môn Dược.

Cơ sở vật chất chỉ gồm một số nhà mái ngói bán kiên cố và nhà tre nứa lá, dụng cụ, trang thiết bị, mô hình phục vụ giảng dạy và học tập thì thiếu thốn và hư  hỏng  nhiều do phải vận chuyển nhiều nơi, ở nhờ nhà dân trong giai đoạn sơ tán nên việc bảo quản không được đảm bảo... nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, đoàn kết nhất trí cao, tập thể lãnh đạo, cán bộ giáo viên và học sinh Nhà trường đã sớm khôi phục và ổn định để tiếp tục nhận nhiệm vụ đào tạo trong giai đoạn mới. Quy mô đào tạo trên 500 học sinh các ngành Y sỹ, Dược sỹ trung học, Y tá trung học, Nữ hộ sinh trung học chính quy. Chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt nhờ vào những biện pháp tổ chức chỉ đạo đúng đắn của Bộ Y tế, các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhà trường trong việc khôi phục và thực hiện tốt các nề nếp đào tạo như tăng cường công tác kiểm tra chéo, giám sát các kỳ thi, tổ chức thi học sinh giỏi...

III. GIAI ĐOẠN TRƯỜNG TRUNG HỌC Y TẾ (1975 – 2007)

1. Từ 1975 – 1990

Sau ngày giải phóng Miền  Nam  thống  nhất đất nước, đây là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tháng 12 năm 1975 tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1976 Trường được đổi tên thành trường Trung học Y tế I Hà Sơn Bình, Hiệu trưởng Nhà trường là ông Nguyễn Trọng (1976) và bác sĩ Chử Ngọc Thụy (1977-1985)

- Tổng biên chế của Nhà trường là 140 cán bộ, giáo viên công nhân viên trong đó có 26 Bác sỹ, Dược sỹ đại học. Bộ máy tổ chức được kiện toàn gồm 7 bộ môn: Chính trị, Y học Lâm sàng, Y học dự  phòng, Y xã hội học, Sản-nhi,Y học dân tộc và Dược; khối phòng thành lập thêm tổ Kế toán-Tài vụ; tổ chức đảng là Đảng bộ hai cấp với 2 chi bộ, là Chi bộ Giáo vụ và Chi bộ Hành chính -Tổ chức.

- Cơ sở vật chất: Sau khi thống nhất đất nước Trường trở về tiếp quản lại khu A từ Ban thống nhất TW. Năm 1989 -1990 có thêm nhà giảng đường 3 tầng gồm 8 phòng học, 01 hội trường và 02 phòng thực hành do tổ chức AFEDA (Australia) tài trợ.

Giai đoạn này do Bộ Y tế chuyển hướng đào tạo nên đối tượng đào tạo của Trường chủ  yếu là: Y tá Trung học, Nữ hộ sinh Trung học và Kỹ thuật viên Dược.

 

Ngoài ra Trường còn được giao thêm nhiệm vụ đào tạo một lớp Y sỹ miền núi; lớpY sỹ Đa khoa giúp nước bạn Lào. Đào tạo bổ túc các lớp Y sỹ và Nữ hộ sinh trưởng cho các tỉnh: Bắc Thái, Cao Bằng, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình, Nam Hà, Hà Nội... đào tạo lại cho Y sỹ Sản - Nhi, Hộ sinh trung học về Bảo vệ bà mẹ, trẻ em, dân SỐ/KHHGĐ theo chương trình dự án VIE/88/P14 do UNFPA (Quỹ Dân số Liên hiệp quốc) tài trợ.Từ năm 1960 - 1990 tổng số học sinh được đào tạo ra trường là 6608 người.

Năm 1985 hợp nhất hai trường Trung học Y tế I và II thành trường trung học Y tế trực thuộc Sở Y tế. Hiệu trưởng Nhà trường là bác sĩ Chử Ngọc Thụy (1977-1985), Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tây; 1985-1986) và bác sĩ Nguyễn Hùng Mưu (1986-1995)

Ngoài những chuyên ngành chính Trường còn đào tạo ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp cho các bác sĩ, dược sĩ của tỉnh Hà Sơn Bình đi học chuyên khoa cấp I, II và đi chuyên gia; phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I các chuyên ngành.

Chủ trì biên soạn Chương trình Y tá trưởng, Nữ hộ sinh trưởng, chương trình Y sỹ Cơ sở được Bộ Y tế thông qua và đưa vào chương trình giảng dạy áp dụng cho các trường Trung học Y tế trong toàn quốc. Giai đoạn này Nhà trường đã chủ trì và triển khai 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: "Điều tra bệnh Thấp khớp cấp" và "Điều tra nghiên cứu những người tàn tật trong tỉnh đưa họ vào hòa nhập với cộng đổng" được Hội đồng nghiệm thu cấp Tỉnh đánh giá xuất sắc

2. Từ năm 1990 - 2007

Năm 1991 tái lập tỉnh Hà Tây trên cơ sở chia tách tỉnh Hà Sơn Bình. Trường được đổi tên thành trường Trung học Y tế Hà Tây trực thuộc Sở Y tế, địa điểm tại số 39 Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông. Hiệu trưởng là bác sỹ Nguyễn Hùng Mưu (1986-1995), bác sỹ Vũ Như Thắng (1995- 2008). Thời kỳ này mục tiêu đào tạo của Nhà trường là "Hướng về y tế cơ sở", đào tạo nguồn nhân lực để củng cố và phát triển hệ thống y tế cơ sở.

Bên cạnh loại hình đào tạo chính quy là Điều dưỡng trung học, Nữ hộ sinh trung học còn mở rộng các loại hình tập huấn, đào tạo lại cho cán bộ Y tế cơ sở như: Quản lý bệnh viện tuyến huyện, Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Thẩm định cơ sở vật chất mở mã ngành đào tạo Trung cấp

Hoàn thành việc thẩm định, tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành Dược sỹ trung học. Hoàn thành xây dựng đề án và các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ trình các cấp có thẩm quyền cho phép thành lập trường Cao đẳng Y tế Hà Tây trên cơ sở nâng cấp trường Trung học Y tế Hà Tây.

Năm 2007 Nhà trường đã tuyển sinh được 90 học sinh học lớp Dược sỹ trung học khóa đầu tiên.

Ngoài nhiệm vụ trọng tâm trên Trường còn tham gia viết tài liệu bệnh học (ngoại) sử dụng cho các trường Trung học trong toàn quốc (Dự án 03-SIDA); viết chương trình đào tạo "Điều dưỡng cộng đồng" cho 5 tỉnh trong toàn quốc (do Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc tài trợ); là chủ nhiệm của Modul II "Đào tạo lại về xử lý các bệnh thường gặp ở cộng đồng và lồng ghép xử lý trẻ bệnh dưới 5 tuổi: IMCI" do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ cho 16 tỉnh trong toàn quốc. Viết chương trình đào tạo Kỹ năng nghề cho 4 mã ngành đào tạo: Điều dưỡng, Hộ sinh, Dược, Y sỹ do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ; triển khai dự án "Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở" do GAVI tài trợ. Chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và đã được nghiệm thu xuất sắc như  "Nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị Y tế tỉnh Hà Tây", "Đặc điểm dịch tễ và một số yếu tố nguy cơ của bệnh ĐTĐ thai nghén ở thị xã Hà Đông. Đánh giá hiệu quả và biện pháp can thiệp", “Nghiên cứu tình hình dịch tễ và một số yếu tố nguy cơ, giải pháp phòng chống Tai biến mạch máu não tại tỉnh Hà Tây"

Về cơ sở vật chất: Đây là giai đoạn tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước, Nhà trường đã được ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây, Sở Y tế quan tâm đặc biệt; Nhiều hạng mục được sửa chữa và xây mới: Nâng cấp, sửa chữa khu giảng đường, xây dựng mới một khu ký túc xá 4 tầng cho học sinh, nhà Hiệu bộ, nhà Dược; Ngân hàng thế giới trang bị hệ thống vi tính, mô hình, dụng cụ phục vụ cho giảng dạy và học tập.

Tổng biên chế năm 2007 là 62 người (bao gồm cả hợp đồng), bộ máy tổ chức không thay đổi.

Tính đến năm 2007 Trường đã đào tạo được gần 30.000 học sinh với các ngành: Y sỹ,Điều dưỡng, Hộ sinh trung học,Y tá và Nữ hộ sinh trưởng, Dược sỹ trung học... ra trường và đào tạo lại cho hàng nghìn cán bộ Y tế công tác tại tuyến cơ sở, tuyến tỉnh đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Y tế HàTây.

Ngày 31/10/2007 Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành quyết định 6874/QĐ - BGDĐT thành lập trường Cao đẳng Y tế Hà Tây trên cơ sở trường Trung học Y tế Hà Tây.

IV. GIAI ĐOẠN TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ (2007 – 2020)

1. Từ năm 2007 – 2015

Ngày 12/7/2008 UBND tỉnh Hà Tây công bố quyết định thành lập trường Cao đẳng Y tế Hà Tây. Tiến sĩ Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Hiệu trưởng Nhà trường (2008-2009).

Tháng 8 năm 2008 tỉnh Hà Tây sáp nhập với thành phố Hà Nội. Theo quyết định số 1380/QĐ- UBND ngày 17/10/2008 của UBND thành phố Hà Nội, trường Cao đẳng Y tế HàTây được đổi tên thành trường Cao đẳng Y tế Hà Đông thuộc Sở Y tế thành phố Hà Nội. Tiến sỹ Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Hiệu trưởng (2008-2009). Tiến sỹ Nguyễn Thị Thịnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Nhà trường từ tháng 10/2009.

Lễ kỷ niệm 54 năm thành lập trường và đón nhận huân chương lao động hạng nhất

Tháng 9 năm 2009, Nhà trường hoàn thành mở mã ngành và tuyển sinh khóa Cao đẳng Điều dưỡng chính quy đầu tiên với chỉ tiêu là 200 Sinh viên, quy mô đào tạo là hơn 1000 học sinh, sinh viên trong đó trên 80% là hệ Trung học gồm các ngành Y sỹ đa khoa, Điều dưỡng, Dược, Hộ sinh. Chỉ sau 3 năm (từ 2010-2012), Trường đã hoàn thành việc mở triển khai tuyển sinh và đào tạo 3 mã ngành Cao đẳng chính quy (Dược, Hộ sinh, Xét nghiệm), 4 mã ngành Cao đẳng liên thông (từ Trung cấp lên Cao đẳng Điều dưỡng, Dược, Hộ sinh, Xét nghiệm), 2 ngành trung cấp mới là Trung cấp xét nghiệm,Trung cấp Dân số - Y tế và nhiều các ngành ngắn hạn đào tạo theo nhu cầu xã hội khác như Quản lý Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm, Thẩm mỹ chăm sóc da, Điều dưỡng nha..... Quy mô đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn này đạt trên 4.000 Học  sinh – sinh viên, trong đó sinh viên Cao đẳng luôn chiếm trừ 50% trở lên.

Ngày 10 tháng 8 năm 2010 UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3904/QĐ-UBND chuyển trường Cao đẳng Y tế Hà Đông về trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Tháng 8/2012 được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Nội, Nhà trường đã khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Thực hành khám chữa bệnh (tương đương với bệnh viện loại 3) nằm ngay trong khuôn viên Nhà trường với chức năng nhiệm vụ là cơ sở thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên và khám chữa bệnh cho cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên và nhân dân trong khu vực.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học đáp ứng quy mô đào tạo và các hoạt động khác hiện nay của Nhà trường: Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng khu nhà 7 tầng (với các hạng mục; thư viện đọc, thư viện điện tử, khu hiệu bộ, khu làm việc các phòng, bộ môn, phòng hội thảo, hội trường, giảng đường), nhà ký túc xá 5 tầng, hệ thống sân vườn, nhà tập đa năng. Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và trang bị đầy đủ mô hình, thiết bị học tập theo hướng hiện đại, hiệu quả cho toàn bộ các phòng thực hành: Dược, Điều dưỡng, Hóa sinh, Vi sinh, Giải phẫu, Sinh lý... 100% các phòng học được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ giảng dạy. Ngoài ra còn đầu tư cơ sở vật chất tại cơ sở thực hành bệnh viện đa khoa Hà Đông, Trạm y tế xã Vạn Phúc. Trung tâm Thực hành khám chữa bệnh ngay trong khuôn viên Nhà trường có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy và khám chữa bệnh như máy Siêu âm mầu, máy chụp X-quang, máy Sinh hóa, Huyết học tự động, máy Điện tim, Điện não... Tất cả đã tạo nên nền móng vững chắc cho công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần tích cực cho sự phát triển chung của Nhà trường.

2. Từ 2015 - 2020

Từ ngày 01/01/2017  Nhà trường đã chuyển cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ giáo dục sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định Luật giáo dục nghề nghiệp, tất các trường đào tạo nghề.

Năm 2019 Nhà trường được UBND Thành phố Hà Nội giao quyền tự chủ về hoạt động chi thường xuyên. Điều này đặt ra cho Nhà trường những thách thức rất lớn trong công tác tuyển sinh, đào tạo cũng như đảm bảo các hoạt động quản lý chung khác của nhà trường.  Ngoài ra, do nhu cầu xã hội, hiện nay Bộ Giáo dục – đào tạo và Bộ LAO DONG đã cho phép nhiều trường trong hệ thống giáo dục của cả nước được đào tạo nhân lực ngành Y tế trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung cấp. Điều đó, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong đào tạo. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực, ảnh hưởng của nền giáo dục thế giới đã làm thay đổi quan niệm, tư duy, phương pháp trong đào tạo, đòi hỏi nhà trường phải có những chiến lược đổi mới cho phù hợp với yêu cầu học tập hiện nay như đổi mới chương trình đào tạo, nôi dung, phương pháp dạy, phương pháp đánh giá, học liệu, ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn công nghệ 4.0 vào hoạt động giảng dạy … Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy và Ban Giám hiệu, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và học sinh – sinh viên, Trường Cao đảng Y tế Hà Đông đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển, giữ vững uy tín và chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và xu hướng phát triển của Nhà trường trong hệ thống giáo dục, đào tạo của cả nước. Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động – TBXH, Bộ Y tế, và và sự lãnh đạo trực tiếp Thành ủy, HDND, UBND Thành phố Hà Nội, Nhà trường đã có nhiều giải pháp tích cực, từ đó phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Đứng trước bối cảnh khó khăn chung trong công tác tuyển sinh những năm gần đây của các trường Trung cấp, Cao đẳng, Nhà trường vẫn đạt được trên 80% chỉ tiêu. Công tác tuyển sinh được diễn ra đúng kế hoạch, đúng quy chế, chất lượng tuyển sinh đảm bảo minh bạch, công khai.

Cán bộ, Sinh viên tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh

Hiên nay, cơ cấu tổ chức nhà trường có 6 phòng chức năng, 10 Bộ môn và 3 Trung tâm. Với số viên chức, giảng viên của Nhà trường là 147 người, trong đó 7 Tiến sỹ, 66 Thạc sỹ, 53 Đại học, còn lại là trình độ cao đẳng và trung cấp.

Cán bộ, CNVC và người lao động của nhà trường

Cùng với đó là cơ sở vật chất của nhà trường không ngừng được đầu tư, nâng cấp bổ sung hoàn thiện trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển của Nhà trường và tạo nên sự thay đổi vượt bậc. Cải tạo các giảng đường hội trường, phòng học thực hành, thí nghiệm, khu ký túc xá cho sinh viên.

Phòng học tiền lâm sàng

Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học: Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm và coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đội ngũ. Năm 2018, nhà trường được Bộ Lao động TBXH phê duyệt ngành nghề trong điểm Điều dưỡng cấp khu vực ASEAN. Trên cơ sở đó, nhà trường đã thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội. Đồng thời, để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Song song với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học đã được giảng viên tích cực tham gia với nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo, góp phần tạo nên uy tín và thương hiệu của nhà trường. Với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, trường không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, cho đến nay nhà trường đã hợp tác với nhiều tổ chức của các nước trên thế giới như: tập đoàn y tế Keiei Kai Nhật bản,  tập đoàn y tế Nozomi Nhật Bản, nghiệp đoàn Suganuma Nhật Bản, tập đoàn Pelegewerk CHLB Đức…

Tập đoàn y tế Keiei Kai Nhật trao học bổng cho sinh viên xuất sắc

Ký kết hợp tác với tập đoàn Pelegewerk CHLB Đức về xây dựng chương trình

Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng, phát triển và hội nhập cán bộ, viên chức, giảng viên, học sinh, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại Trường có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho sự phát triển của Nhà trường nói riêng và của cả ngành Y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung.

Trong thời gian tới, trường CĐYT Hà Đông tiếp tục phấn đấu để trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao cho thủ đô và cả nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

III. NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT CỦA NHÀ TRƯỜNG

- Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000)

- Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2005)

- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2014)

- Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2013, năm 2019)

- Bằng khen của Thủ tướng  Chính phủ (năm 2011, năm 2020)

- Cờ thi đua của Bộ Y tế (năm 2014)

- Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội (năm 2012, 2013, 2015, 2016)

- Bằng khen của UBND Tỉnh Hà Tây (năm 2001, 2005, 2007)

- Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội (năm 2008, 2010, 2011, 2014, 2017, 2018)

Ngoài ra, nhà trường còn được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen về các lĩnh vực chuyên đề khác của các cấp, các ngành.

 

Quảng cáo
  • banner goc phai
Đối tác
  • Y hà nội 2
  • AL01
  • AL02
  • AL04
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập:3789
  • Trong ngày: 6258
  • Trong tuần:8613
  • Tổng lượt truy cập: 15271094